Ngành y tế TPHCM vừa chọn phường 27, quận Bình Thạnh làm nơi triển khai lập hồ sơ sức khỏe (HSSK) điện tử đầu tiên của TPHCM, qua đó làm mô hình thí điểm thực tế trước khi nhân rộng ra 23 phường xã còn lại của quận trong năm 2021 và triển khai đồng loạt ở tất cả các phường xã còn lại của TPHCM giai đoạn 2022-2025. Đây là một dạng chuyển đổi HSSK của mỗi người dân dưới dạng hồ sơ giấy sang HSSK được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử. HSSK điện tử giúp người dân biết và dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe liên tục và suốt đời, từ đó giúp mỗi người dân có thể chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe của mình. Ngoài ra, nguồn dữ liệu từ HSSK điện tử này còn giúp ngành y tế xây dựng dữ liệu lớn (Big Data) về tình hình sức khỏe của người dân TPHCM. Từ nguồn dữ liệu lớn này, các thuật toán phân tích, tổng hợp sẽ giúp ngành y tế dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn. Năm 2021 là năm được Sở Y tế TPHCM khởi động lộ trình lập HSSK điện tử cho mỗi người dân thành phố, theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, lập dữ liệu hành chính của HSSK có mã định danh. Giai đoạn này sử dụng dữ liệu sẵn có từ nguồn dữ liệu bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế chuyển về các sở y tế, trong đó, mã định danh cho HSSK điện tử được Bộ Y tế chọn là số thẻ BHYT. Tuy nhiên, dữ liệu này không bao gồm danh sách người dân chưa tham gia BHYT, do đó, Sở Y tế phối hợp các UBND quận huyện để cập nhật danh sách hộ gia đình sẵn có... Giai đoạn 2, lập dữ liệu về tiền sử sức khỏe và thông tin cơ bản về sức khỏe. Đây là giai đoạn đang được Sở Y tế chuẩn bị triển khai. Sở Y tế TPHCM chọn giải pháp sử dụng mã QR code để người dân tự khai báo dữ liệu sức khỏe cơ bản qua điện thoại thông minh. Sở Y tế TPHCM đã xây dựng app trên điện thoại để chính người dân tự bổ sung, cập nhật tình hình sức khỏe cơ bản của mình... Giai đoạn 3, cập nhật, liên thông dữ liệu sức khỏe khi người dân đến khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế, phòng khám của các cơ sở y tế khác hoặc sau khi nhập viện điều trị tại các bệnh viện. Đây là giai đoạn hoàn chỉnh của HSSK điện tử. Để giai đoạn này triển khai được thuận lợi đòi hỏi các bệnh viện cần đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử, thống nhất ngôn ngữ kỹ thuật dùng chung để dễ dàng liên thông dữ liệu giữa bệnh án điện tử và HSSK điện tử. Dự kiến giai đoạn này sẽ bắt đầu triển khai từ năm 2025. Việc cập nhật dữ liệu do chính người dân thực hiện (bổ sung tình hình sức khỏe, tiền sử dị ứng, tiêm chủng…), do thầy thuốc thực hiện (chuyển tải dữ liệu chẩn đoán, điều trị… vào HSSK điện tử) và kết nối liên thông giữa HSSK điện tử với các dữ liệu lớn khác (dân cư, hộ tịch, tiêm chủng…) mang ý nghĩa rất quan trọng. Để làm được điều này, bên cạnh nỗ lực của chính ngành y tế, cần có sự tham gia, hỗ trợ của các ngành khác có liên quan, nhất là ngành thông tin - truyền thông với vai trò chủ lực trong hỗ trợ, kết nối các dữ liệu lớn khác. Các thông tin khai báo trên ứng dụng được thiết kế sao cho thuận tiện và đơn giản nhất cho người khai báo (như nhập dữ liệu về thời gian, huyết áp…). UBND quận huyện sẽ huy động tổ trưởng tổ dân phố làm cộng tác viên để phân phát bảng hướng dẫn đến từng gia đình, phổ biến, hướng dẫn cách khai báo qua QR code… Hộ có người cao tuổi, neo đơn, người không có điện thoại thông minh sẽ được cán bộ phường xã, tổ dân phố hỗ trợ khai báo. Sở TT-TT TPHCM cũng sẽ giúp Sở Y tế kết nối, liên thông dữ liệu sức khỏe với các nguồn dữ liệu lớn khác của TPHCM, nhất là dữ liệu dân cư, theo thời gian thực. Trong thời gian chưa kết nối, Sở Y tế sẽ có hướng dẫn nhắc cập nhật khai báo thông tin sức khỏe định kỳ mỗi 3 hoặc 6 tháng. Sở Y tế TPHCM kêu gọi các bệnh viện đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh án điện tử và kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn thống nhất về cấu trúc, ngôn ngữ kỹ thuật dùng chung cho bệnh án điện tử, đó là những điều kiện tiên quyết không thể thiếu để liên thông dữ liệu điện tử giữa bệnh án điện tử và HSSK điện tử. PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguồn tin : Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG Online Xem thêm...