SỞ Y TẾ Xu thế phát triển chuyên khoa Nhi tại các bệnh viện ở Châu Âu - Sở Y Tế HCM

Thảo luận trong 'Tin tức của Sở Y tế' bắt đầu bởi Sở Y tế TP.HCM, 27/8/20.

  1. Sở Y tế TP.HCM

    Sở Y tế TP.HCM Bệnh viện Quận 4
      0/6

    Đã được thích:
    61
    Điểm thành tích:
    0
    [​IMG]

    Các bệnh lý từng là nguyên nhân chính dẫn đến hầu hết các trường hợp trẻ em phải nằm viện điều trị như nhiễm trùng đường hô hấp, viêm dạ dày ruột và viêm gan A, hiện nay đã ít gặp hơn, thường được chăm sóc tại nhà trừ những trường hợp bệnh diễn tiến nặng. Mặt khác, những tiến bộ trong y học và công nghệ, cùng với sự hiểu biết tốt hơn về các bệnh lý di truyền, bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý sơ sinh, các phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư và suy chức năng nội tạng cấp hoặc mạn tính, những tiến bộ trong phẫu thuật và những phương pháp mới để quản lý các rối loạn tâm thần nặng, đã tạo ra nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trẻ em mà trước đây gần như không có. Do đó, ngày nay bệnh viện vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, và nhanh chóng thích ứng với những nhu cầu thay đổi về bệnh tật của thai nhi, trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi, trẻ em và thanh thiếu niên. Ngoài ra, việc cung ứng các dịch vụ tại bệnh viện dành cho trẻ em cũng phải có khả năng phối hợp chặt chẽ với các bộ phận khác của hệ thống y tế và phải tiếp cận với các dịch vụ rộng lớn hơn cho sức khoẻ trẻ em bao gồm giáo dục sức khoẻ, phòng bệnh, chăm sóc ngoại trú dài hạn cho trẻ em mắc các bệnh hiếm gặp và chăm sóc ban đầu ngoài giờ hành chánh.


    Tuy nhiên, một khảo sát thực hiện tại 53 quốc gia vào năm 2015 cho thấy có sự biến thiên lớn trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho trẻ em tại các bệnh viện thuộc khu vực Châu Âu. Sự khác biệt này còn thể hiện ngay ở cấp độ cơ bản nhất, đó là định nghĩa độ tuổi được xem là trẻ em cần được chăm sóc tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi. Có 53% quốc gia định nghĩa tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi, nhưng có 01 quốc gia là đến 11 tuổi, 03 quốc gia là đến tuổi 14 tuổi, 04 quốc gia là 15 tuổi, 06 quốc gia là 16 tuổi và 01 quốc gia là 17 tuổi. Có 02 quốc gia báo cáo giới hạn trên của độ tuổi trẻ em khi sử dung các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho Nhi khoa là 19 tuổi và 01 quốc gia là 26 tuổi.


    Ngoài ra, ở Châu Âu còn có bốn loại hình cơ sở khám, chữa bệnh có thể cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dành cho trẻ em, bao gồm: 1) Bệnh viện đa khoa trẻ em hoặc các khoa nhi khoa nằm trong trong các bệnh viện đa khoa dành cho người lớn; 2) Bệnh viện dành riêng cho trẻ em, tồn tại độc lập; 3) Bệnh viện dành cho trẻ em của các trường đại học; và 4) Trung tâm bà mẹ và trẻ em. Điều đáng lưu ý là cả 4 loại hình này đều có phòng khám và điều trị ban ngày và đơn vị chăm sóc đặc biệt sơ sinh (NICU). Ngoài ra, còn có sự khác biệt lớn về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vị công tác chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là thiết bị công nghệ cao, cũng như tổ chức đánh giá chất lượng bệnh viện.


    Với tỷ suất sinh giảm, các quốc gia ở Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng dân số trẻ em ngày càng giảm. Nếu như dân số có độ tuổi từ 0–14 tuổi và 0–4 tuổi ở Châu Âu vào năm 1982 lần lượt là 21,2% và 6,4%, thì đến năm 2014 những con số này đã giảm xuống còn 15,2% và 5,0%, cụ thể như tại ba nước Bỉ, Ireland và Bồ Đào Nha tỷ suất sinh là 2,54, 3,78 và 3,16 vào năm 1960, năm 2013 đã giảm xuống còn 1,75, 1,96 và 1,21. Sự thay đổi về dân số trẻ cùng với những thay đổi về mô hình bệnh tật đã làm giảm số giường bệnh và dẫn đến việc đóng cửa hoặc sáp nhập các cơ sở bệnh viện dành cho trẻ em.


    Tuy nhiên, các quốc gia Châu Âu đã không cắt giảm công suất bệnh viện theo một cách đơn giản, ngược lại phải đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong tình hình mới. Ví dụ, việc giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm thông qua các chương trình tiêm chủng, cũng như giảm số trường hợp trẻ em bị thương tích thông qua các chương trình phòng chống tai nạn thương tích đã làm giảm nhu cầu chăm sóc và do đó giảm số người nhập viện. Mặt khác, những tiến bộ về y học và phẫu thuật, nhất là trong các lĩnh vực như phẫu thuật sơ sinh và chăm sóc đặc biệt, ung thư, và can thiệp cho các bệnh di truyền, đang làm tăng nhu cầu chăm sóc có chuyên môn cao. Đồng thời, một nhu cầu lớn hơn về dịch vụ chăm sóc chuyên khoa do gánh nặng của các bệnh mạn tính ngày càng tăng, chẳng hạn như béo phì ở trẻ em, và một số do cải thiện khả năng cứu sống các trường hợp bệnh nặng thường tử vong trước đây, như các khối u ác tính và một số dị tật bẩm sinh di truyền, sự cải thiện khả năng cứu sống của trẻ sơ sinh nhẹ cân, khuyết tật. Những yêu cầu mới này chỉ có thể được cung cấp tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối được đầu tư các can thiệp chẩn đoán và điều trị phức tạp, có cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến, và đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên sâu.


    Bên cạnh những yêu cầu mang tính chuyên môn hóa ngày càng tăng trong các dịch vụ chăm sóc trẻ em trong bệnh viện, một yêu cầu khác ngày càng có nhiều sự công nhận về tầm quan trọng của việc thiết kế hệ thống xuất phát từ quan điểm của người sử dụng chứ không phải là nhà cung cấp dịch vụ. Hiện nay, nhiều nước đầu tư cơ sở hạ tầng theo thiết kế “một bệnh viện không giống như một bệnh viện”, triển khai phương pháp tiếp cận “chăm sóc sức khỏe thân thiện với trẻ em” (theo kêu gọi của Hội đồng Châu Âu được 47 bộ trưởng Bộ Y tế đại diện cho các quốc gia Châu Âu tán thành). Cách tiếp cận này đã đưa các hệ thống tư duy và giá trị dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào một khuôn khổ thực tiễn để lập kế hoạch, cung cấp và cải thiện các dịch vụ cho trẻ em và gia đình của trẻ. Phương pháp chăm sóc sức khỏe thân thiện với trẻ em được xây dựng dựa trên “con đường bệnh nhân” (Patient pathway) và lấy bệnh nhân làm trung tâm.


    (Tài liệu tham khảo: “The Changing Role of the Hospital in European Health Systems”, World Health Organization (acting as the host organization for, and secretariat of, the European Observatory on Health Systems and Policies) 2020 )

    SỞ Y TẾ TP.HCM

    Xem thêm...
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này