Đầu năm 2024, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) thực hiện thành công 2 ca thông tim bào thai, đánh dấu kỷ nguyên can thiệp bào thai cứu những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh và mở ra cơ hội sống cho các em, điều trước đây ngành y nước nhà chưa làm được. Nối lại niềm tin Chiều 20.2, khoác chiếc áo blouse, chúng tôi cùng TS-BS Đỗ Nguyên Tín, Trưởng đơn vị thông tim can thiệp Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 đến phòng siêu âm khoa Tim mạch để hội chẩn 2 thai phụ mang thai 26 và 28 tuần, thai nhi được phát hiện bất thường về tim. Cuộc hội chẩn giữa BS thông tim can thiệp, BS siêu âm của BV Nhi đồng 1 và BS sản BV Từ Dũ trong phòng siêu âm khá tối, chỉ có màn hình hiển thị kết quả với những bàn tay chỉ vào, rồi bàn luận sôi nổi. Ca hội chẩn ngày 22.2 và chuẩn bị thông tim bào thai ngày 29.2 Ảnh: DUY TÍNH Kết quả, BS Tín đánh giá với thai phụ thứ nhất, thai nhi có van động mạch phổi bị tắc do có màng ngăn, máu không lưu thông từ tâm thất phải lên phổi được, tình trạng này kéo dài vài tuần thì khả năng thai nhi sẽ tử vong hoặc tâm thất phải sẽ mất chức năng khi sinh ra. Do đó, thống nhất chỉ định cần đục và nong van động mạch phổi vào ngày 29.2, khi thai nhi đạt 28 tuần tuổi, tim đủ độ trưởng thành. Khi nghe BS thông báo, thai phụ trẻ vẻ mặt rạng rỡ niềm hy vọng, vì trước đó gia đình rơi vào trạng thái hoang mang tột độ. Đến thai phụ thứ hai, các BS nhanh chóng kết luận tim thai nhi hơn 28 tuần bị dị tật bẩm sinh nhưng không đến mức độ quá nặng phải can thiệp từ trong bào thai. Nhưng thai nhi khi sinh ra cần mổ can thiệp tim bên ngoài. Thai phụ được dặn dò về theo dõi thai cho đến ngày sinh nở. Trở về phòng làm việc, BS Tín cho biết sau khi lãnh đạo 2 BV (Nhi đồng 1 và Từ Dũ) họp, hội chẩn lần nữa thì ngày 29.2 ông sẽ thực hiện can thiệp thông tim cho thai nhi thứ 3 cũng tại BV Từ Dũ. Theo ông, sự thành công của ca mổ cũng phụ thuộc vào kinh nghiệm của các BS sản khoa trong việc chăm sóc thai phụ trước, trong và sau can thiệp để thai phát triển tốt. BS Tín tự tin là sẽ thành công mỹ mãn như 2 ca đầu, trong đó hiện 1 ca đã sinh ra an toàn, xuất viện. "Học chơi, làm thật" Là chuyên gia về thông tim can thiệp trẻ em, nhưng khi nói về việc học thông tim can thiệp bào thai của mình, BS Tín cười, kể: "Lần đầu tiên tôi chứng kiến các chuyên gia quốc tế can thiệp thông tim bào thai thị phạm là ở hội nghị bên Đức. Các chuyên gia luồn cây kim nhỏ xíu qua bụng, rồi xuyên tử cung đi vào bào thai để đưa ống thông vào thông tim trong tích tắc. Nhìn cảnh đó tôi tái xanh mặt mày. Nhìn xung quanh các đồng nghiệp khác cũng y như vậy. Nhưng các chuyên gia từ Brazil vừa làm vừa cười, làm cho cả hội trường đều ngạc nhiên về sự tự tin và trình độ vượt bậc của họ". Ca thông tim can thiệp bào thai lần đầu tiên thành công ngày 4.1.2024 T.N Ca thông tim can thiệp bào thai lần thứ hai thành công và em bé đã được sinh ra vào ngày 30.1.2024 M.N Nhớ lại cảnh hàng trăm trẻ phải chịu cảnh thai lưu khi còn trong bụng mẹ hoặc chào đời và BV trả về vì không cứu được, trong đó bản thân ông cũng đã ký nhiều giấy trả về như vậy, BS Tín quyết tâm đi học. Tranh thủ ngày cuối tuần, ngày nghỉ ông đi học ở các đồng nghiệp Ba Lan. Ban đầu ông xin vào phòng mổ để xem, và khi đã tự tin, các đồng nghiệp nước bạn đã cho ông cầm kim làm thật. Thế là thành công. Và 2 ca thông tim bào thai đầu tiên vào đầu năm 2024 của BS Tín tại BV Từ Dũ một lần nữa xác nhận kỹ thuật này của ông đã thành thục và tinh tế, chính xác đến từng mi li mét, mở ra cơ hội sống cho rất nhiều bào thai. Mỗi ca ông làm chỉ trong khoảng 5 - 10 phút. Nhưng ông cũng khẳng định rằng chỉ những ca nào nếu không can thiệp dẫn đến bào thai sẽ chết thì mới can thiệp, còn những ca mà bào thai sống cho đến khi được sinh ra thì sẽ không can thiệp sớm, vì nguy cơ trong can thiệp bào thai cũng khá cao. Tương lai của ngành thông tim can thiệp Theo BS Đỗ Nguyên Tín, tương lai thông tim can thiệp trên trẻ em cần đi theo 3 hướng. Thứ nhất là làm thật sớm, đó là làm từ bào thai, làm khi mới sinh ra để đảm bảo tim hồi phục nhanh. Mà muốn làm được thông tim bào thai thì phải phát triển thông tim sơ sinh tốt, từ tay nghề BS, kỹ thuật được rèn luyện. Hướng thứ hai là chỉnh sửa những dị tật tim phức tạp, cùng lúc nhiều dị tật, và phải phối hợp vừa can thiệp thông tim, vừa mổ tim, can thiệp nhiều lần. Thí dụ như can thiệp thông tim trên những trẻ chỉ có 1 thất, sau đó trẻ sẽ được phẫu thuật tim chỉnh sửa tiếp. Hướng thứ ba là phối hợp cùng lúc nội khoa và ngoại khoa. Có những chỗ tim bẩm sinh phức tạp, vị trí khó luồn ống thông thì cần phẫu thuật mở ngay vị trí đó khoảng 2 cm để BS nội khoa thông tim. Sự phối hợp này tránh cho bệnh nhi một cuộc mổ hở lớn, kéo dài thời gian. Cùng với đó là sự hỗ trợ của công nghệ chẩn đoán hình ảnh, trí tuệ nhân tạo để có thể chẩn đoán chính xác các dị tật tim bẩm sinh và can thiệp chính xác… (còn tiếp) Duy Tính Nguồn tin : Báo Thanh Niên Adblock test (Why?) Xem thêm...